THANH NIÊN XUNG KÍCH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ

Thứ bảy - 05/06/2021 01:00
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương (8/6) thế giới đồng thời với an toàn phòng dịch COVID-19, Đoàn TN Đại học Bách khoa Hà Nội xin chia sẻ tới các Đoàn viên, Sinh viên về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công cuộc bảo về chủ quyền biển, đảo.

Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương (8/6) thế giới đồng thời với an toàn phòng dịch COVID-19, Đoàn TN Đại học Bách khoa Hà Nội xin chia sẻ tới các Đoàn viên, Sinh viên về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công cuộc bảo về chủ quyền biển, đảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong di sản lý luận của mình, mặc dù không có những tác phẩm độc lập về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhưng trong các bài nói, bài viết, Người đã có những chỉ dẫn quý báu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có thanh niên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bác Hồ đang kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn vào năm 1960

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam rất toàn diện và sâu sắc, đề cập đến những vấn đề cơ bản và cốt lõi của công cuộc bảo vệ này như: tính tất yếu; mục tiêu, nhiệm vụ; lực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung, bảo vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng... Cụ thể là:

Về tính tất yếu khách quan phải bảo vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển” (Hồ Chí Minh (1956), “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển”, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 311). Ngày 31/3/1959,  khi về thăm làng cá Cát Bà, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Theo Người, “làm chủ” là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân. Khi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên. Hồ Chí Minh xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Về sức mạnh và lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Theo Người, sức mạnh bảo vệ biển, đảo là sức mạnh tổng hợp, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt và Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng bảo vệ trực tiếp: Nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên. Ngày 16/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu, trưởng đoàn Phụ nữ Trung Quốc đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam. Người đã căn dặn: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.  Ngày 13/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh, Người nói: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo, xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”.

Về phương thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Người yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ các phương thức và lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam: “Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt” (Hồ Chí Minh, “Bài nói tại buổi lễ thành lập lực lượng Công an vũ trang”,Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.154). Người kkẳngcòn  định mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam: Xây dựng, phát triển kinh tế biển phải đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, phải quan tâm, chăm lo đến nhân dân trên các vùng biển đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ” (Hồ Chí Minh, “Bài nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Hải Ninh)”, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.130), v.v... Việc vận dụng lý luận đó cũng cần tính đến những biến đổi của tình hình dân tộc, sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, nhất là tình hình thực địa trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện nay.

Về xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chỉ đạo thành lập cơ quan Hải quân trong quân đội Nhân dân Việt Nam với tên gọi lúc bấy giờ là Quân đội quốc gia Việt Nam. Xây dựng các lực lượng tác chiến để chủ động tiến công địch trên các chiến trường sông biển từ Hòn Gai đến Hà Tiên. Người giao nhiệm vụ cho một bộ phận dùng tàu gỗ chở vũ khí đến tận Bến Tre để phục vụ đoàn quân Nam tiến. Sau năm 1954, khi cả nước tiến hành thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khai thác, bảo vệ vùng biển, coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng và chỉ đạo xây dựng lực lượng chuyên trách để bảo vệ vùng biển mới được giải phóng từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17. Ngày 07/5/1955 Người chỉ đạo thành lập Cục phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huy các đơn vị thực hiện các chiến dịch và thành lập các tuyến vận tải trên biển. Người đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các chiến dịch: tiến công đuổi tàu khu trục Ma Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 02/8/1964; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc…vv… Năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, được gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đời sống của các chiến sĩ Hải quân và ngư dân. Người thường xuyên đến thăm, nói chuyện với bộ đội Hải Quân, trong các chuyến thăm, Người gần gũi rót nước, chia kẹo, trò chuyện, nhắc nhở, động viên. Không chỉ đối với các chiến sĩ, Người còn rất quan tâm đến đời sống của ngư dân và nhân dân ở các địa phương giáp biển. Người đã nhiều lần đến thăm nhân dân Đồ Sơn , Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Bình. Người đã tới các đảo: Đảo Tuần Châu, Đảo Hòn Rồng, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cô Tô, Đảo Vạn Hoa, Đảo Bạch Long Vĩ… cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa, cùng bà con ở đảo Cô Tô thu hoạch khoai lang…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho nhiều tấm gương ưu tú của quân dân biển đảo đã luôn bám biển ra khơi để sản xuất và canh giữ biển đảo Tổ quốc. Sự quan tâm của Người đã là nguồn động viên để quân dân vùng biển vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam nhằm giáo dục, định hướng tư tưởng cho thanh niên là việc làm cần thiết của các cấp bộ Đoàn, giúp thanh niên Việt Nam tỉnh táo, yêu nước đúng cách, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân đấu tranh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước hết, đối với bản thân mỗi thanh niên, cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng sát đúng với tính hình, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thanh niên cần tỉnh táo trước sự kích động của các thế lực thù địch, yêu nước đúng cách, tham gia các hoạt động ý nghĩa do các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tổ chức để hướng về biển đảo. Tạo nên sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí về tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Thanh niên Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài với vốn kiến thức, kĩ năng, khả năng ngoại ngữ của mình cần thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức, nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử, và sự phù hợp Công ước Liên hợp quốc của chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Thanh niên cũng cần bày tỏ lòng yêu nước, phê phán hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các trang mạng xã hội bằng những lập luận phù hợp với Luật pháp Quốc tế, với ngôn ngữ văn minh, lịch sự, giữ gìn hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Đối với tổ chức Đoàn, cần định hướng, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các thông tin chính thống, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khối Đoàn để tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về các vấn đề biển đảo. Đẩy mạnh các hoạt động hướng về biển đảo quê hương, cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, các mô hình kết nối giữa biển đảo và đất liền để thanh niên tham gia.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền biển đảo là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến trên biển Đông. Trong giai đoạn hiện nay, tất cả thanh niên Việt Nam cần tìm hiểu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền biển đảo. Từ nhận thức đúng đắn, thanh niên sẽ có những hành động đúng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

BAN TT-TT&ĐN

Ngày đăng 3/6/2021

Tác giả: Đoàn Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây