KỶ NIỆM MỐC SON 110 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

Thứ tư - 02/06/2021 01:00
Chào mừng 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1980 – 19/05/2021), 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2021) và thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu niên năm 2021, Đoàn trường Đại Bách Khoa Hà Nội xin chia sẻ tới các Đoàn viên câu chuyện về mốc son lịch sử ra đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ kính yêu (5/6/1911 – 5/6/2021).

 

Chào mừng 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1980 – 19/05/2021), 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2021) và thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu niên năm 2021, Đoàn trường Đại Bách Khoa Hà Nội xin chia sẻ tới các Đoàn viên câu chuyện về mốc son lịch sử ra đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ kính yêu (5/6/1911 – 5/6/2021).

Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị. Khi đó, thực dân Pháp và giai cấp phong kiến đã cấu kết với nhau thống trị nước ta, dân ta một cổ hai tròng, thân phận nô lệ bị đọa đày áp bức và đau khổ không kể xiết. Các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng Việt Nam, tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại.

 Giữa hoàn cảnh tối tăm ấy, từ những khó khăn chưa có lối thoát, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến Cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12-1920. Ảnh tư liệu

Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành đã đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Pari, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Tuy nhiên, lúc đó Người chưa thể có điều kiện đầy đủ để bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin. Ở châu Âu, chủ nghĩa Mác ra đời đã trên 60 năm (1847-1911), nhưng trên thế giới chưa có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào giành được thắng lợi. Những nơi mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến để tìm hiểu, nghiên cứu cũng chưa có Đảng Cộng sản và trước năm 1919, Quốc tế Cộng sản chưa ra đời. Người nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất. Đó là cách mạng Mỹ (năm 1776), cách mạng tư sản Pháp (năm 1789) và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường cách mạng của họ được. Vì như Người đã nói: “Cách mệnh Mỹ cũng như cách mệnh Pháp nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1). Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, với tư duy biện chứng và tầm nhìn rộng lớn, Người đã tích cực tham gia hoạt động ở các tổ chức như Đảng Xã hội Pháp, Hội những người Việt kiều yêu nước tại Pháp để lên án, vạch trần bản chất của đế quốc xâm lược, chỉ ra nỗi khổ cực của người dân nô lệ và tập hợp lực lượng cách mạng quốc tế…

Tháng 11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương V.I.Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đồng thời tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng kết hợp với thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường giải phóng dân tộc, đã giải bày đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đứng hẳn về con đường Cách mạng Tháng Mười, về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Quốc tế Cộng sản. Như Người đã ghi lại trong tác phẩm Đường Cách mệnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(2).

Người khẳng định rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin”(3), đồng thời thể hiện lập trường dứt khoát: “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam Quốc tế”(4)… Tín hiệu mới báo hiệu một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam đã bắt đầu.

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(5). Người còn chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Người đã đi nối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước như hai cánh của con chim”. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Cùng với những chuyển biến trên, cách mạng Việt Nam lúc này bắt đầu có những chuyển biến mới gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa thực dân.

Đến năm 1924, sau 13 năm tìm đường cứu nước, Người rời đất nước Nga Xô Viết trở về phương Đông, Quảng Châu (Trung Quốc) gần Tổ quốc Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tới Quảng Châu, Người đã cùng những nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia… thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên cơ sở cải tổ Tâm Tâm xã. Cùng với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin tạo nên những tác động trực tiếp đến sự chuyển biến của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, với tinh thần yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc, kết tinh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân trong sáng, Người đã gắn bó máu thịt với nhân dân, đã hy sinh chiến đấu suốt đời, lấy sức ta mà giải phóng cho ta.

Là người Việt Nam đầu tiên từ lòng yêu nước mà đến với chủ nghĩa cộng sản, suốt 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác Hồ đã đặt chân lên 28 quốc gia, 4 châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để hoạt động cách mạng, Người đã nhận ra sâu sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười, đó là: muốn giải phóng dân tộc thì phải làm cách mạng vô sản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi không những tiếp tục củng cố sự nghiệp giải phóng đất nước về chính trị mà còn giải phóng một bước cao hơn về kinh tế, thực hiện dân chủ, công bằng, tự do, bình đẳng, đem lại nền văn minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc khoa học, trí tuệ và hiện đại, trải qua trăm ngàn thử thách, ngày càng giành thêm những thắng lợi mới.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta từ ngày thành lập Đảng. Kiên định và thực hiện sáng tạo đường lối nhất quán ấy. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Suốt cuộc đời vì nước vì dân, di sản vô giá mà Người để lại cho Tổ quốc ta, nhân dân ta chính là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngời cùng thời gian.

Hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước hết sức thiết thực và bổ ích đối với mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên, sinh viên Bách Khoa Hà Nội. Thông qua hoạt động tuyên truyền nhằm giúp cho cán bộ đoàn, đoàn viên, sinh viên của trường hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của cán bộ đoàn viên thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

BAN TT-TT&ĐN

 

Tác giả: Đoàn Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây