TỔNG BÍ THƯ LÊ HỒNG PHONG - CUỘC ĐỜI TẬN HIẾN, SÁNG TRONG NHƯ NGỌC

Thứ hai - 06/09/2021 03:56
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong gia đình nông dân.

"Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sớm."

Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Mít tinh Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902-6/9/2012) tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

 

 

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không thể tiếp tục đi học, Lê Hồng Phong rời quê ra thành phố Vinh, làm công nhân tại nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Trong thân phận người làm thuê và được tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than của những người lao động, Lê Hồng Phong đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc. Từ đây, đồng chí bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân ở Thái Lan, Trung Quốc, Liên Xô. Đồng chí tham gia tổ chức Tâm Tâm xã (một tổ chức cách mạng do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn thành lập) và hăng hái tham gia hoạt động, phát triển Tâm Tâm Xã thành một tổ chức hạt nhân cách mạng. 

Ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong đã được dự lớp chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Bên cạnh đó, đồng chí còn tìm cách gây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng; mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới phía Bắc. 

Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Năm 1941, khi cả hai vợ chồng Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt, kẻ thù cho hai người gặp nhau đối chất nhưng cả hai kiên quyết không khai. Hai người cộng sản kiên trung đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại đứa con thơ khi mới hơn 2 tuổi.

 

 

Do sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942. Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Nhân dịp Kỷ niệm 119 năm ngày sinh (06/9/1902 - 06/9/2021) và 79 năm ngày mất của Tổng bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1942 - 06/9/2021), Đoàn viên, sinh viên Bách Khoa Hà Nội nguyện tiến bước, học tập, lao động và xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thanh niên Bách Khoa Hà Nội sẽ luôn nâng cao ý thức cộng đồng và tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí "chống dịch như chống giặc" vì một Việt Nam vững mạnh như các thế hệ cha anh đã gây dựng và gìn giữ bao đời.



 

Tác giả: Đoàn Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây